ChatGPT và cơ hội bùng nổ cho trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

ChatGPT đang dẫn đầu xu thế về công nghệ trong năm 2023. Khả năng và hạn chế của công cụ này được dự đoán sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong thời gian tới.


Cơn sốt mới của làng công nghệ toàn cầu

Chỉ sau 2 tháng ra mắt, công cụ ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn cầu. Khi mà các ứng dụng công nghệ phổ biến nhất hiện nay như TikTok và Instagram phải cần lần lượt là 9 tháng và 2,5 năm để đạt được lượng người dùng tương đương (theo Sensor Tower) thì ChatGPT chính thức trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

ChatGPT đang dẫn đầu xu thế của năm 2023 trên các phương tiện truyền thông. Theo thống kê từ nền tảng theo dõi và giám sát mạng xã hội VnSocial, kể từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/02/2023 mức độ đề cập đến ChatGPT bùng nổ với hơn 76 nghìn bài đăng và hơn 3 triệu lượt tương tác trong đó luồng đề cập nhiều nhất đến từ mạng xã hội Facebook.


                    Báo cáo về mạng xã hội - tổng quan chủ đề về ChatGPT của VnSocial
                                                  từ ngày 01/01/2023 tới 15/02/2023

ChatGPT là ứng dụng Chatbot sử dụng mô hình ngôn ngữ GPT-3.5 được phát triển bởi OpenAI. Đây là một trong những mô hình xử lý ngôn ngữ tự nhiên lớn và tiên tiến nhất hiện nay, được huấn luyện trên hàng tỷ dòng văn bản. Mô hình này cho phép ChatGPT có thể tạo được phản hồi cho mọi chủ đề trong thời gian thực và mang đến 1 trải nghiệm trò chuyện vô cùng tự nhiên và trôi chảy.

ChatGPT mang đến cuộc cách mạng Chatbot AI

ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi, thực hiện được rất nhiều chức năng trên một văn bản như viết, tóm tắt, sửa lỗi chính tả và dịch ngôn ngữ, giải đáp các vấn đề kỹ thuật và logic như giải phương trình toán học, lập trình và sửa lỗi. 


                                Một đoạn văn bản ngắn ChatGPT sinh ra theo yêu cầu

ChatGPT thậm chí còn có thể đưa ra những ý tưởng hoàn toàn nguyên bản như viết ra một bài thơ hay một bài hát. Người dùng có thể hỏi ChatGPT về chiến lược kinh doanh hoặc thậm chí yêu cầu ChatGPT lập trình, viết các đoạn mã để xây dựng Website hay phần mềm hoàn chỉnh.


                                             Đoạn code Python do ChatGPT lập trình

Nhìn chung, ChatGPT là một công cụ đa năng và hiệu quả, có thể thay đổi cách chúng ta tìm kiếm thông tin và đơn giản hóa các công việc thường ngày. Chính vì vậy mà công cụ này đã nhanh chóng thu hút được 1 lượng người dùng khổng lồ. Mạng xã hội và các kênh truyền thông từ đó liên tục đưa tin, bàn tán về các cách chúng ta có thể ứng dụng ChatGPT cũng như ảnh hưởng của nó tới xã hội và con người.

Tuy nhiên ChatGPT không hoàn hảo…

Trong khi nhiều người không khỏi kinh ngạc về khả năng của ChatGPT thì cũng đã có nhiều người nhận ra những hạn chế của công cụ này. Nhà phát triển Open AI nhấn mạnh, ChatGPT vẫn có thể hiểu sai ý nghĩa của câu hỏi và từ đó đưa ra câu trả lời có sự sai lệch. Trong trường hợp đã hiểu đúng câu hỏi, ChatGPT vẫn có thể đưa ra phản hồi không chính xác.


                             ChatGPT trả lời sai một bài toán đơn giản ở lần hỏi đầu tiên


       ChatGPT (được tích hợp trên công cụ tìm kiếm Bing) đưa ra câu trả lời không chính xác

Một trong những nhà nghiên cứu tại OpenAI nhận xét về ChatGPT là “strong general, weak intelligence”, tức là công cụ này làm rất tốt trong việc xử lý và tổng hợp thông tin chung nhưng lại chưa thật sự thông minh trong tư duy.

ChatGPT có thể được coi là một Chatbot đa lĩnh vực (Open Domain Chatbot), có kiến thức tổng hợp và có thể giải đáp thắc mắc về nhiều chủ đề khác nhau. Tuy nhiên, dữ liệu huấn luyện của ChatGPT là dữ liệu từ Internet, có thể bị điều chỉnh hoặc làm sai lệch bởi nhiều nguồn thông tin không chính thống và thiếu chính xác. ChatGPT hiện nay chưa thể xử lý các tín hiệu đầu vào, không lưu trữ được thông tin của khách hàng và không tương tác được với cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp để trao đổi thông tin hay quảng bá sản phẩm. 

Chính vì vậy, khác với Chatbot chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể (Closed Domain Chatbot) - được lập trình theo kịch bản để trả lời một lượng câu hỏi nghiệp vụ nhất định với phản hồi chính xác nhất, thì ChatGPT chưa giải quyết được bài toán chăm sóc khách hàng, cũng như giải đáp thắc mắc cho một lĩnh vực hay nghiệp vụ cụ thể của doanh nghiệp hoặc chính phủ. Công cụ này hiện tại chưa phù hợp để hoàn toàn thay thế Chatbot chuyên sâu và con người.

ChatGPT hiện đang đặt ra quan ngại rất lớn về khả năng bảo mật thông tin. Mới đây, các công ty công nghệ lớn như Amazon và Microsoft (một trong những nhà đầu tư vào OpenAI) đã đưa ra khuyến cáo tới tất cả nhân viên của mình không chia sẻ thông tin bảo mật và dữ liệu nhạy cảm cho ChatGPT vì thông tin này có thể được dùng để huấn luyện mô hình AI và cung cấp cho bên thứ 3 trong tương lai. Vì vậy trong quá trình sử dụng ChatGPT, người dùng cần cân nhắc và cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin.


        Microsoft khuyến cáo nhân viên của mình không chia sẻ dữ liệu nhạy cảm cho ChatGPT
                                                       (Theo Business Insider)

ChatGPT tại Việt Nam

Ngày 11/02/2023, ChatGPT đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Sự có mặt của ChatGPT tại Việt Nam mở ra một làn sóng mạnh mẽ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), kéo theo đó là sự gia tăng nhận thức và ứng dụng các sản phẩm AI. Mặc dù còn một vài hạn chế nhưng sự ra đời của ChatGPT là một bước đột phá trong giới công nghệ, khẳng định khả năng vượt trội của công nghệ trí tuệ nhân tạo, hiện thực hóa khái niệm trợ lý ảo (AI Assistant).

Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022" do Oxford Insights (Anh) công bố, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Báo cáo này cũng nhận định Việt Nam đang có các lợi thế như dân số trẻ, có hiểu biết về kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các công nghệ mới, đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển công nghệ AI. Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam trong đó có VNPT đang đầu tư rất lớn cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. 

Anh Lê Anh Văn (PhD), Giám đốc Nền tảng Trợ Lý Ảo VNPT - VNPT Assistant Platform cho biết: “Những doanh nghiệp như VNPT từ lâu đã nhận thức rõ về tiềm năng của công nghệ AI. ChatGPT đang đem đến rất nhiều cơ hội cho lĩnh vực này phát triển tại Việt Nam. Những hạn chế còn tồn đọng của ChatGPT bản chất chính là một cơ hội để chúng tôi khai thác và cải tiến bằng những sản phẩm trợ lý ảo có tính chính xác và minh bạch hơn. Hiện nay, sản phẩm Trợ Lý Ảo VNPT- VNPT Assistant đã được triển khai cho các khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng và chính phủ điện tử. Khả năng xử lý chính xác các nghiệp vụ chuyên sâu và đảm bảo an toàn dữ liệu của doanh nghiệp và chính phủ giúp cho VNPT Assistant và những sản phẩm AI tương tự có được vị thế và sự tin tưởng cao trong nước”.

Theo anh Văn, thời gian tới, VNPT sẽ đẩy mạnh việc xây dựng một hệ sinh thái các sản phẩm AI chất lượng cao để đóng góp cho việc phát triển nền kinh tế số - xã hội số vững mạnh tại Việt Nam.

DyHy